Tranh điện Hình Chúa Cầu Nguyện có lẽ là cái tên không còn xa lạ với những tín đồ của Thiên Chúa Giáo. Tuy nhiên, nếu bạn chưa hiểu rõ về những ý nghĩa và thông điệp của bức tranh thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
- Bối Cảnh Câu Chuyện
Theo Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca, sau khi dự Tiệc Thánh, Chúa cùng các môn đồ đến vườn Ghết-sê-ma-nê cầu nguyện. Vườn Ghết-sê-ma-nê tọa lạc trên núi Ô-li-ve; đây có lẽ là nơi Chúa thường đến cầu nguyện. Ghết-sê-ma-nê trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là chỗ ép dầu. Tại đây Chúa trải qua những giờ phút thống khổ nhất trước lúc Ngài hy sinh. Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca diễn tả những trăn trở của Chúa trước khi Ngài bước lên thập giá. Phúc Âm Giăng, ngược lại, bày tỏ nỗi ưu tư của Chúa cho những người theo Ngài. Trong lúc Chúa chuẩn bị hy sinh, Đức Chúa Giê-xu không chỉ cầu nguyện cho chính mình nhưng Chúa dành nhiều thì giờ cầu nguyện cho những người tin Ngài (Giăng 17). Chúa biết rằng khi Ngài ra đi những người theo Ngài sẽ bị bách hại. Lịch sử đã ghi lại điều đó; và đó chính là điều khiến Chúa ưu tư.
Ðể diễn tả cảnh Chúa cầu nguyện trước giờ bị bắt, Hofmann vẽ hai phần ba bức tranh chìm trong bóng tối. Bầu trời phủ đầy mây đen. Ánh trăng khuất sau làn mây, tỏa ánh sáng mờ nhạt. Xa xa, một vài tia chớp lóe lên báo hiệu giông tố sắp đến.
Với vài nét đơn giản, Hoffmann đã khéo léo trình bày bối cảnh của bức tranh và minh họa hoàn cảnh của câu chuyện. Bóng đêm phủ kín tượng trưng cho nhân loại đang chìm trong tội lỗi. Ánh trăng mờ nhạt tiêu biểu cho những nỗ lực của con người tìm cách vượt ra khỏi thực trạng khổ đau. Tuy nhiên, những nổ lực đó, như ánh trăng lập lờ, không phải là cứu cánh cho nhân loại. Mây đen vần vũ trên bầu trời, sấm chớp nổi lên báo hiệu khó khăn bách hại đang kéo tới. Giu-đa và đoàn người bắt Chúa đến gần.
- Nỗi Cô Ðơn Của Chúa
Bên trái bức tranh, Hoffmann vẽ thành phố Giê-ru-sa-lem ẩn hiện trong màn đêm. Cũng trong một góc thật nhỏ đó, ông vẽ ba môn đồ Giăng, Gia-cơ và Phi-e-rơ đang say ngủ. Với những hình ảnh đơn sơ này, Hofmann đã khéo léo thể hiện nỗi cô đơn của Chúa. Lúc Chúa phải đối diện với khó khăn, những người từng tung hô Ngài ngày hôm trước, tiêu biểu bằng hình ảnh thành Giê-ru-sa-lem, giờ đây cách xa. Phần lớn các môn đồ theo Chúa cũng không thấy trong bức tranh này. Hơn thế nữa, ba môn đồ thân tín nhất đang chìm trong giấc ngủ. Lúc Chúa cần người chia xẻ nhất, không ai gần Chúa để cùng san xẻ gánh nặng với Ngài.
- Nguyên Nhân Khiến Chúa Hy Sinh
Hofmann vẽ một nhánh gai khô làm tiền cảnh cho bức tranh. Bằng cách đặt hình ảnh bụi gai gần nơi Chúa cầu nguyện, Hofmann khiến người xem nhớ lại một câu chuyện xảy ra tại một ngôi vườn khác từ hàng ngàn năm về trước. Do lòng tham, tổ tiên của loài người là A-đam và Ê-va không vâng lời Ðức Chúa Trời đã nghe theo lời ma quỷ. Vì lòng tham và hành động bất tuân Ðức Chúa Trời, tổ phụ loài người bị Chúa đuổi khỏi vườn Ê-đen. Loài người xa cách Ðức Chúa Trời từ đó. Do bị Chúa nguyền rủa, đất đai sanh nhiều chông gai. Con người phải lao lực để kiếm sống và bắt đầu kinh nghiệm sự đau khổ. Thế giới khổ đau ngày nay là kết quả do sự chọn lựa của tổ tiên loài người từ hôm đó.
Bằng phương pháp ẩn dụ, Hofmann muốn nhắc người xem nguyên nhân khiến Chúa phải chịu đau khổ trong lúc này. Gai nhọn tiêu biểu cho đau đớn, khổ cực. Gai khô tượng trưng cho sự chết chóc. Nhánh gai nhọn hoắc, chết khô mô tả thực trạng đau khổ của con người khi sống xa cách Ðức Chúa Trời.
Vì yêu thương loài người phải sống trong khổ đau, giờ đây, tại vườn Ghết-sê-ma-nê này, Ðấng Vô Tội là Ðức Chúa Giê-xu Christ chuẩn bị hy sinh để cứu loài người ra khỏi tội lỗi, đem họ trở về cùng Ðức Chúa Trời yêu thương. Ngày hôm sau, khi Chúa bị đóng đinh trên thập tự, Ngài mang những nhánh gai nhọn tương tự như bụi gai đó trên đầu Ngài: Chúa chết để gánh thay những khổ đau, chết chóc cho loài người.
- Đức Chúa Giê-xu là Ðấng Cứu Thế
Giữa bức tranh, Hofmann vẽ hình ảnh Chúa quỳ bên một tảng đá cầu nguyện. Hai tay Chúa đặt trên tảng đá. Mặt Chúa hướng lên trời. Ánh sáng từ trời chiếu xuống mặt Ngài. Hình ảnh của Chúa quỳ gối cầu nguyện, bao trùm trong ánh sáng, nổi bật giữa bóng đêm. Bằng kỹ thuật tương phản, Hofmann khéo léo so sánh giữa Chúa và bóng đêm, giữa thiện và ác, giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa sự sống và sự chết, giữa tương lai tươi sáng và thực tế khổ đau.
- Ý Nghĩa Của Vầng Ðá
Hofmann tiếp tục dùng phương pháp ẩn dụ để mô tả sự hiện diện của Ðức Chúa Trời trong đêm đó. Vầng đá mà Chúa Giê-xu quỳ gối cầu nguyện tượng trưng cho Ðức Chúa Trời. Thánh Kinh nhiều lần dùng hình ảnh vầng đá để mô tả Ðức Chúa Trời.
Ðức Chúa Trời được so sánh với vầng đá vì Ngài là Ðấng bảo vệ và chở che. Trong thiên nhiên, các loài thú nhỏ như thỏ rừng, chuột đồng, do không có khả năng tự vệ nên thường làm hang giữa những tảng đá lớn (Thi Thiên 104:18, Châm Ngôn 30:26). Khi bị chồn, cáo rượt đuổi, các loài thú này ráng chạy thật nhanh đến núp vào hang giữa những vầng đá. Vì đá quá cứng, chồn cáo không thể đào xới, tấn công nên các con thú nhỏ này được bình an. Biết được công dụng đó, loài người thời xưa đã dùng đá để làm đồn lũy, pháo đài, thành quách. Do đó, trong Thánh Kinh vầng đá thường được dùng làm biểu tượng cho sự bảo vệ, chở che; và hình ảnh đó được so sánh với Ðức Chúa Trời. Tác giả Thi Thiên 18 đã viết: “Ðức Giê-hô-va là hòn đá tôi, đồn lũy tôi, Ðấng giải cứu tôi; Ðức Chúa Trời là hòn đá tôi, nơi Ngài tôi sẽ nương náu mình; Ngài cũng là cái khiên tôi, sừng cứu rỗi tôi, và là nơi náu ẩn cao của tôi.“ (Thi Thiên 18:2). Ðức Chúa Trời là Ðấng Giải Cứu; do đó, khi người tin Chúa gặp khó khăn, họ thường cầu xin với Ðức Chúa Trời: “Hỡi Ðức Giê-hô-va, tôi kêu cầu Ngài; Hỡi Hòn Ðá tôi, chớ bịt tai cùng tôi“ (Thi Thiên 28:1).
Ngoài ý nghĩa về sự bảo vệ chở che, các thi nhân ngày xưa thường so sánh vầng đá với Ðức Chúa Trời bởi vì Ngài là Ðấng Bất Biến, là nền tảng của mọi vật. Thời xưa khi xây dựng một tòa nhà, để được chắc chắn, thợ xây thường đào thật sâu đụng đến đá để đặt nền trên đó. Một căn nhà được xây trên nền đá như vậy, sẽ không bị lay chuyển dầu có gặp giông tố (Ma-thi-ơ 7:24-25). Ở những nơi không có nền đá tự nhiên, thợ xây thường dùng những tảng đá lớn được tạc sẵn để xây nền. Khi bắt đầu xây, người thợ đặt một viên đá góc nhà. Viên đá này sẽ được dùng làm tiêu chuẩn cho cả căn nhà. Tất cả kích thước của tòa nhà sẽ tính từ viên đá góc đó. Ðức Chúa Trời được so sánh với vầng đá vì Ngài là nền tảng, là căn nguyên của mọi vật. Ngài là tiêu chuẩn của mọi điều trong cuộc sống.
Lúc Ðức Chúa Giê-xu vào vườn Ghết-sê-ma-nê cầu nguyện, Ngài khuyên các môn đồ tỉnh thức cùng cầu nguyện với Ngài. Ðức Chúa Giê-xu muốn nhắc các môn đồ trước những khó khăn sắp xảy ra, không có giải pháp nào tốt hơn là trình dâng nan đề lên cho Ðức Chúa Trời; bởi vì Ðức Chúa Trời là Ðấng bảo vệ chở che. Trong bức tranh này, ngoài việc dùng vầng đá để mô tả nơi Chúa cầu nguyện, Hofmann muốn lưu ý người xem về chính Ðức Chúa Trời, là Ðấng mà người tin Chúa cần đặt lòng trông cậy trong khi cầu nguyện. “Hãy nhờ cậy Ðức Giê-hô-va đời đời, vì Ðức Giê-hô-va, chính Ðức Giê-hô-va, là vầng đá của các thời đại!“ (Ê-sai 26:4).
- Ý Nghĩa Của Ánh Sáng.
Ánh sáng từ trời chiếu trên khuôn mặt Ðức Chúa Giê-xu cũng là biểu tượng cho Ðức Chúa Trời. Hofmann nhắc người xem nhớ câu Kinh Thánh “Ðức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm“ (I Giăng 1:5). Ðức Chúa Trời là sự sáng. Ðức Chúa Giê-xu cũng là sự sáng (Giăng 8:12). Cảnh vườn lúc Chúa Giê-xu cầu nguyện, ngược lại, rất tối. Hiện trạng của thế giới lúc đó cũng vậy. Về phương diện tri thức, tối tăm tiêu biểu cho sự mê muội. Về phương diện đạo đức, tối tăm mô tả cuộc sống băng hoại xa cách Ðức Chúa Trời. Trong lĩnh vực tâm lý, tối tăm biểu tượng cho tuyệt vọng. Về phương diện sinh học, tối tăm đồng nghĩa với sự chết.
Ánh sáng của Ðức Chúa Trời tỏa rạng trên Ðức Chúa Giê-xu vào lúc đó mang hai ý nghĩa. Trước hết, ánh sáng đó thể hiện mối tương giao giữa Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con trong lúc cầu nguyện. Ánh sáng đó cũng được Hofmann mô tả như sự tiếp trợ năng lực từ Ðức Chúa Trời cho Ðức Chúa Giê-xu để Ngài bước vào cuộc chiến với quyền lực tối tăm trong những ngày sắp tới. Với ánh sáng đó, Ðức Chúa Giê-xu bước vào cõi tối tăm, Ngài xua tan bóng đêm của sự mê muội, của cuộc sống băng hoại, của bóng tối tuyệt vọng, và bóng đen của sự chết. Chúa đến để mang sự khải tỏ, sự công chính, sự hy vọng và sự sống cho thế gian. “Ta là sự sáng của thế gian. Người nào theo Ta chẳng đi trong nơi tối tăm nhưng có ánh sáng của sự sống“ (Giăng 8:12). Tiên tri Ê-sai mô tả sự xuất hiện của Chúa: “Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết“ (Ê-sai 9:2 ).
Bằng cách hai lần dùng biểu tượng về Ðức Chúa Trời trong bức tranh, Hofmann muốn nhấn mạnh về sự hiện diện của Ðức Chúa Trời lúc Ðức Chúa Giê-xu chịu thống khổ. Trong lúc loài người và các môn đệ xa cách Ðức Chúa Giê-xu, Ðức Chúa Trời luôn bên cạnh Ðức Chúa Giê-xu. Hofmann nhấn mạnh Ðức Chúa Trời là nơi nương dựa, là niềm an ủi, là nguồn năng lực cho Ðức Chúa Giê-xu trong hoàn cảnh đó.
- Tín Lý Của Sự Cầu Nguyện.
Hofmann đã khéo léo xây dựng bố cục bức tranh qua ba hình ảnh Ðức Chúa Giê-xu, vầng đá và ánh sáng. Ba hình ảnh này kết cấu chặt chẽ với nhau thể hiện rõ chủ đề chính của bức tranh là sự cầu nguyện cùng những tín lý căn bản của sự cầu nguyện. Cầu nguyện là thiết tha trình dâng nhu cầu của mình cho Ðức Chúa Trời. Hofman thể hiện điều đó qua hình ảnh Chúa Giê-xu quỳ gối cầu nguyện. Cầu nguyện là đặt niềm tin của mình nơi Ðức Chúa Trời. Hofmann đã trình bày niềm tin đó qua hình ảnh Chúa đặt tay trên vầng đá. Cầu nguyện là tương giao với Ðức Chúa Trời. Mối tương giao đó được minh họa qua hình ảnh ánh sáng chiếu xuống từ trời và qua ánh mắt của Chúa Giê-xu. Bằng ngòi bút khéo léo của mình, Hofmann đã thể hiện những tín lý cầu nguyện thật tinh tế. Ðây là một nét thành công độc đáo trong tác phẩm của ông.
Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca mô tả Ðức Chúa Giê-xu trăn trở trong lúc cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-nê. Bức tranh của Hofmann mô tả phần cuối của buổi cầu nguyện đó. Lúc này Chúa không còn trăn trở băn khoăn nhưng khuôn mặt Chúa hiện rõ sự bình thản. Ánh sáng từ trời chiếu sáng mặt Ngài. Ðức Chúa Giê-xu sẵn sàng bước vào con đường thập giá để đưa con người từ chốn tối tăm đến ánh sáng.
(Theo thư viện Tin Lành)
Kết luận
Ngày nay, tranh điện Hình Chúa Cầu Nguyện thường hướng mọi người tới những điều tích cực để có cuộc sống bình an, vui vẻ, hạnh phúc bên những người thân yêu trong gia đình. Những lúc mệt mỏi, khó khăn, áp lực hay có những âu lo trong công việc và cuộc sống, chỉ cần ngắm bức tranh, bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, tâm hồn nhẹ nhàng hơn. Có lẽ, bởi những ý nghĩa của bức tranh này, “Chúa Cầu nguyện còn được mọi người lựa chọn là món quà cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp vào những dịp đặc biệt. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bối cảnh, ý nghĩa của bức tranh “ Chúa Cầu Nguyện” mang lại.